Sẵn sàng chương trình bồi dưỡng giáo viên

Chủ nhật - 16/12/2018 22:07
Để chuẩn bị chương trình đào tạo (CTĐT), bồi dưỡng giáo viên (GV), CBQL đáp ứng yêu cầu của CTGDPT mới, Trường đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã có những bước chuẩn bị bài bản: Đổi mới, chuẩn hóa CTĐT, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Đồng thời với việc mở ngành mới đào tạo GV dạy những môn mới, những hoạt động giáo dục mới trong CTGDPT mới, để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng GV, trường đã triển khai thí điểm đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến: Bồi dưỡng năng lực biên soạn bài giảng điện tử Elearning và quản lý khóa học trực tuyến; xây dựng kế hoạch dạy học thí điểm theo hình thức trực tuyến.

Đổi mới và chuẩn hóa chương trình đào tạo

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng Phụ trách nhà trường - cho biết: 

Từ năm 2013, sau khi Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được ban hành, trường đã triển khai đổi mới xây dựng, phát triển CTĐT GV. 

Tiếp đó là tham gia triển khai Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT - (Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), nhà trường đã rà soát lại toàn bộ CTĐT. 

Hiện nay, các CTĐT của trường phát triển đều dựa theo: Khung trình độ quốc gia, Chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở GD phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng cơ sở GD phổ thông (hai bộ chuẩn vừa được Bộ GD&ĐT ban hành), CTGDPT mới và cuối cùng là kết quả khảo sát thực tế giáo dục phổ thông của 8 tỉnh thuộc phạm vi Chương trình ETEP nhà trường đang tham gia. 

Trên cơ sở đó, CTĐT GV được nhà trường thay đổi theo chuẩn đầu ra, theo mục tiêu của giáo dục đại học, đồng thời chuẩn đầu ra phải phản ánh được sứ mạng và tầm nhìn của trường sư phạm. 

Cô và trò Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội trong tiết học Toán.

Cho đến nay qua các lần đổi mới, phát triển CTĐT, đội ngũ giảng viên của trường đã nhuần nhuyễn về xây dựng và phát triển CTĐT, bồi dưỡng. Hiện nay, tất cả CTĐT đều được xây dựng theo ma trận các tiêu chuẩn để đối sánh chương trình với các bộ chuẩn nêu trên và môn học của CTGDPT mới. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tính, để nâng cao năng lực giảng viên, nhà trường đã phát triển cộng đồng học tập trong giảng viên - Mỗi khoa có một đội ngũ giảng viên chủ chốt. 

Nhiệm vụ của đội ngũ này nhằm dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý với đồng nghiệp, tổ chức các cemina trong khoa, bộ môn về những vấn đề đổi mới, những PPDH để có giờ dạy tốt, chia sẻ kinh nghiệm trong viết báo cáo khoa học, bài báo quốc tế hay vấn đề ứng dụng CNTT trong giờ giảng. 

Thông qua cộng đồng học tập giảng tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giúp phát triển nét văn hóa trường sư phạm và nâng cao năng lực giảng dạy một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, nhà trường không chỉ bó hẹp cộng đồng học tập trong trường đại học mà còn phát triển xuống các trường phổ thông. Từng khoa chuyên môn phải xây dựng kế hoạch giúp đỡ cộng đồng học tập ở trường phổ thông. 

Cụ thể, giảng viên Toán có kế hoạch giúp đỡ, phát triển GV Toán, tổ chuyên môn Toán; Giảng viên Văn có kế hoạch giúp đỡ, phát triển GV Văn, tổ Văn ở trường phổ thông như thế nào? Sự giúp đỡ, hỗ trợ bằng hình thức: Các giảng viên chủ chốt tổ chức các buổi cemina chuyên đề, dự giờ, hướng dẫn GV phổ thông thiết kế giáo án, giờ dạy tốt, dạy giỏi… 

Những công tác này đang được khoa, bộ môn đăng kí, mỗi đơn vị giúp đỡ 1 - 2 trường phổ thông để phát triển, đổi mới PPDH; Nhà trường yêu cầu mỗi giờ dạy, tiết dạy của cộng đồng học tập phải được ghi hình lại để làm tư liệu giảng dạy, cũng là để rút kinh nghiệm trong giảng viên, GV cho những giờ dạy tiếp theo sao cho PPDH được nhuần nhuyễn. 

Đa dạng hình thức bồi dưỡng giáo viên

 

Học sinh Trường THCS Thái Hòa (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) trong giờ học Tiếng Anh.

Để phục vụ cho công tác bồi dưỡng GV, nhiều nội dung bồi dưỡng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nhằm đa dạng hóa thể loại bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng tham gia. 

“Nếu giảng viên sư phạm không thành thạo về hình thức bồi dưỡng trực tuyến thì khi triển khai chương trình bồi dưỡng rất khó có thể thực hiện tốt được. Do vậy, nhà trường đã triển khai thí điểm ở tất cả các chuyên ngành để giảng viên nhuần nhuyễn về PPDH trực tuyến, có kỹ năng chuyên môn trong tổ chức dạy học trực tuyến” - PGS.TS Nguyễn Thị Tính chia sẻ.

Hình thức đào tạo bồi dưỡng ở các ngành, các trình độ cũng được nhà trường mở rộng đối tượng và số lượng tại các tỉnh, thành phố theo nhu cầu người học. Trường đã đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng cho GV và CBQLGD, hoạt động bồi dưỡng đã được tăng cường mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. 

Năm học 2017 - 2018, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã triển khai tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho hơn 10.000 giảng viên, GV và CBQLGD tại các địa phương phía Bắc, phía Nam và Tây Nguyên. 

Chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, theo từng chuyên đề của địa phương cũng được nhà trường linh hoạt đáp ứng. PGS.TS Nguyễn Thị Tính lấy ví dụ: “Như tỉnh Tuyên Quang đang có nhu cầu bồi dưỡng GV về chuyên đề “Dạy Toán gắn với ứng dụng thực tiễn”, hoặc như ngành Giáo dục Hải Dương đang có nhu cầu bồi dưỡng chuyên đề “tâm lý học đường”…. 

Tất cả những chuyên đề này, công tác chuẩn bị của trường sư phạm phải đi trước: Thiết kế chương trình, chuẩn bị giảng viên để đến khi ngành Giáo dục các địa phương kết nối là trường sư phạm có thể đáp ứng như cầu ngay được”.

Chính vì vậy, trong năm học vừa qua, không chỉ riêng mảng bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho GV, mà cả mảng bồi dưỡng chuyên môn cho GV được nhà trường phát triển, không dừng lại ở vùng núi phía Bắc mà phát triển xuống phía Nam, vào các tỉnh Tây Nguyên. 

Chỉ tiêu đào tạo sư phạm nhiều năm nay giảm mạnh vừa là chủ trương của Bộ GD&ĐT: Giảm chỉ tiêu để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên vừa là hệ quả điều tiết khách quan của thị trường lao động. 

“Giảm nguồn tuyển đầu vào thì trường sư phạm phải phát triển mạnh mảng bồi dưỡng GV; Đồng thời, giảm chỉ tiêu tuyển sinh cũng là điều kiện quan trọng để nhà trường phát triển đội ngũ giảng viên. Giảng viên giảm được áp lực giảng dạy trên lớp, thay vào đó, đội ngũ giảng viên dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, xây dựng CTĐT, tập trung vào tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng công tác bồi dưỡng GV đáp ứng cho đổi mới CT, SGK GDPT mới” - PGS.TS Nguyễn Thị Tính nhấn mạnh điều này.

Theo Thành An (GD&TĐ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỚI THIỆU

Thông tin về Chương trình

Tên Chương trình:  Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Tên tiếng Anh: Enhancing Teacher Education Program Tên viết tắt: ETEP Mục tiêu của Chương trình Mục tiêu chung: Phát triển...

Thăm dò ý kiến

Đối tượng thụ hưởng của chương trình ETEP là:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây