Sẽ bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán

Thứ tư - 05/12/2018 22:03
GD&TĐ - “Chương trình ETEP đang phối hợp với Cục NG&CBQLGD phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLPT các cấp học phổ thông theo hướng tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên vừa ban hành... Sẽ lựa chọn và bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán”.
Sẽ bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tại hội nghị tập huấn triển khai Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 14) và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 20) đối với đội ngũ nhà giáo khu vực Nam bộ diễn ra trong 3 ngày (từ 03 - 05/12/2018), tại Tp Cần Thơ.

Chương trình tập huấn triển khai Thông tư 14 và Thông tư 20 do Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tổ chức.

Hơn 230 đại biểu là cán bộ sở/phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT đến từ 21 tỉnh thành khu vực Nam bộ, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, Học viện Quản lý Giáo dục tham dự tập huấn.

Bộ chuẩn mới định lượng được tối đa năng lực GV/CBQLGD

Để các địa phương, cơ sở giáo dục hiểu rõ về chuẩn và thực hiện đúng chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức triển khai 2 thông tư tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và khu vực Nam bộ, tập huấn cho 63 sở GD&ĐT, 8 trường đại học sư phạm/ Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình ETEP với các đại biểu là giảng viên, cán bộ sở/phòng GD&ĐT và các thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT của các trường phổ thông, trường chuyên, bán trú, nội trú trên toàn quốc.

Việc triển khai thực hiện tốt hai thông tư mới ban hành đến các sở, phòng GD&ĐT và đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ GV & CBQLCSGDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục  phát biểu khai mạc 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc tập huấn, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho rằng: “Bộ chuẩn mới với những tiêu chí, tiêu chuẩn mạch lạc, rõ ràng, định lượng được tối đa năng lực GV/CBQLGD, sát với chương trình giáo dục phổ thông mới và những yêu cầu phát triển đội ngũ, giúp đội ngũ nhà giáo nhận diện chính mình. Từ đó, các thầy cô có những giải pháp tự bồi dưỡng và cơ sở giáo dục, các cấp quản lý có giải pháp hỗ trợ bồi dưỡng, thúc đẩy phát triển năng lực đội ngũ.

Trong Thông tư 14 và Thông tư 20, chúng ta có được bộ chuẩn chuẩn nhất có thể trong bối cảnh hiện nay để nhận diện năng lực đội ngũ, đánh giá phẩm chất, năng lực đội ngũ. Tuy nhiên, một công cụ dù tốt đến mấy nhưng nếu vận hành không tốt thì sẽ không có sản phẩm tốt được. Vì thế, từ những nhận thức sâu sắc, đúng đắn tại chương trình tập huấn này, các đại biểu có trách nhiệm chia sẻ, truyền lửa đến đồng nghiệp của mình tại địa phương để cùng hiểu, cùng thực hiện đúng”.

Sẽ bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) cho biết: “Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đã cập nhật, bổ sung những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của GV&CBQGDPT, đã tham khảo các chuẩn quốc tế, các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế và đặc biệt đã lấy được nhiều ý kiến của các thầy cô trực tiếp tại các trường phổ thông.

Chuẩn mới ban hành đã cập nhật những vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.

TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP phát biểu tại Hội nghị tập huấn

Thực hiện các thông tư này, cán bộ quản lý/giáo viên sẽ đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của bản thân. Từ đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Các cấp quản lý sẽ có được bức tranh về năng lực đội ngũ để xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và ngành giáo dục. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có cơ sở để xây dựng, phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

Theo TS Nguyễn Ngọc Dũng, nhiệm vụ của Chương trình ETEP là phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT. Ngay từ khi thành lập đến nay, Chương trình ETEP luôn đồng hành với Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (NG&CBQLGD) trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thông tư về chuẩn và văn bản hướng dẫn thực hiện chuẩn. Chương trình ETEP vẫn tiếp tục đồng hành với Cục để hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá việc triển khai chuẩn.

Chương trình ETEP đang phối hợp với Cục NG&CBQLGD phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLPT các cấp học phổ thông theo hướng tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên vừa ban hành. Trên cơ sở các quy định tại Thông tư 14 và Thông tư 20, sẽ lựa chọn và bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán.

Đội ngũ cốt cán này sẽ được các trường sư phạm chủ chốt bồi dưỡng nâng cao năng lực thường xuyên để hỗ trợ các hoạt động phát triển nghề nghiệp của giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương, liên tục, ngay tại chỗ. Và 8 trường ĐHSP/Học viện Quản lý Giáo dục tham gia ETEP sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc bồi dưỡng này theo sự phân công và kế hoạch được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Hình ảnh tại Hội nghị tập huấn 

Chương trình ETEP cũng đang phối hợp với Cục NG&CBQLGD triển khai soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 26 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX), trong đó quy định rõ về cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong BDTX, đồng thời xây dựng hệ thống phần mềm LMS-TEMIS để hỗ trợ việc quản lý, bồi dưỡng GV&CBQL theo hình thức qua mạng, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của mỗi thầy cô giáo.

Trong ba ngày, đại biểu được nghe các chuyên viên Cục Nhà giáo và CBQLGD và các chuyên gia nghiên cứu về chuẩn giới thiệu kĩ về Thông tư số 14, Thông tư 20; Hướng dẫn sử dụng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên.

Các đại biểu được thử nghiệm đánh giá theo chuẩn và thảo luận, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện chuẩn. Sau đợt tập huấn, các giáo viên, cán bộ sở/phòng GD&ĐT, cơ sở đào tạo bồi dưỡng sẽ có kế hoạch triển khai chuẩn hiệu quả tại địa phương mình để nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đặng Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỚI THIỆU

Cơ cấu tổ chức BQL Chương trình ETEP

Cơ cấu tổ chức Ban quản lý Chương trình ETEP 1. Nhóm tư vấn cá nhân  Nghiên cứu đề xuất văn bản, chính sách, bao gồm các vị trí: Tư vấn cá nhân về hướng dẫn các trường SP xây dựng thỏa thuận thực hiện. Tư vấn cá nhân thu thập và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, CBQLGDPT...

Thăm dò ý kiến

Đối tượng thụ hưởng của chương trình ETEP là:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây