Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là nguồn nhân lực được đào tạo nền có tri thức sâu rộng, có năng lực không chỉ đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà còn có khả năng cập nhật, tiếp nhận những tri thức, kĩ năng mới trong tương lai; không chỉ hướng đến tương lai mà còn trưởng thành trong tương lai. Đáp ứng yêu cầu đó, chỉ có thể là nhiệm vụ của các trường đại học: nghiên cứu và ứng dụng.
Với gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ĐHSP - ĐHĐN luôn giữ định hướng phát triển một trường ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ với sứ mệnh: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; phục vụ cộng đồng với cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế
Những năm qua đã chứng minh Nhà trường thực hiện thành công sứ mệnh của mình một cách có lộ trình và có chiến lược. Cụ thể: Trường là cơ sở giáo dục Đại học đầu tiên kiểm định và đạt chuẩn chất lượng giáo dục (2016); được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận là một trong 7 trường Sư phạm trọng điểm Quốc gia (2017); sinh viên tốt nghiệp hầu hết có việc làm đúng ngành nghề và được cơ quan tuyển dụng cũng như người sử dụng lao động tiếp nhận đánh giá cao; thành quả nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên Nhà trường xếp tốp đầu trong Đại học Đà Nẵng và các trường Sư phạm trọng điểm…
Thành quả trên không chỉ là mặt nổi, mà còn là bề sâu biểu hiện sự phát triển của Nhà trường trong bối cảnh giáo dục Đại học Việt Nam, nhất là các cơ sở giáo dục Đại học Sư phạm, đang phải cùng nhau giải những bài toán khó. Để phát huy những thế mạnh đã được xã hội công nhận, đồng thời tiếp tục tạo ra những giá trị mới phù hợp với tính chủ thể và tính thời đại trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như đòi hỏi của xã hội hiện nay, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng phải tìm giải pháp nhằm tạo ra những đột phá trong đào tạo các ngành khoa học để có điểm nhấn thu hút người học và thỏa mãn nhu cầu của xã hội hiện đại.
Năm 2019, Trường tuyển sinh gần 3000 chỉ tiêu Đại học (trong đó có 855 chỉ tiêu đào tạo giáo viên, còn hơn 2000 là số lượng tuyển sinh dành cho các ngành Cử nhân khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn (xem bảng chỉ tiêu dưới). Đây chỉ là những con số, là định lượng trong biểu đồ phát triển của Nhà trường, song định tính trong đào tạo mới đủ sức quyết định sự sống còn của một cơ sở giáo dục Đại học không chỉ thuần túy đào tạo và bồi dưỡng giáo viên như trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng hiện tại.
Với mục tiêu đó, vì chất lượng và nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển mình cùng xu thế toàn cầu, Nhà trường đã đổi mới trong đào tạo các ngành cử nhân khoa học. Trong đó, tập trung đổi mới chương trình, nội dung; phát huy những phương thức đào tạo hiệu quả, cùng với đó là những đổi mới rõ rệt, như vẫn giữ mô hình tham quan thực tế để thống nhất tôn chỉ đào tạo không chỉ thiên về lí thuyết mà còn mang đến môi trường trải nghiệm cho người học. Ngoài ra, trước quá trình thực tập, sinh viên các khối ngành Cử nhân khoa học còn được kiến tập ở các cơ quan, doanh nghiệp với thời gian đủ dài để “làm quen” và “làm thử”. Nghĩa là xu hướng đào tạo của Nhà trường trong những năm gần đây quan tâm đến “tiếng nói” của người học nhiều hơn (dựa từ những kết quả khảo sát cựu sinh viên, sinh viên, nhà tuyển dụng…).
Trong chiến lược đào tạo, Nhà trường chủ trương gắn kết với các cơ quan, doanh nghiệp; mời giảng viên các đơn vị, doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng, bồi dưỡng nghiệp vụ để sinh viên không chỉ “trăm hay” mà còn “tay quen”. Đồng thời, để tạo nên đột phá đào tạo các ngành khoa học, trong năm nay và dự án dài hơi sau này, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng xúc tiến hợp tác, đối lưu với các Trường Đại học quốc tế uy tín ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đan Mạch, Hoa Kì, Anh Quốc… đưa sinh viên ra nước ngoài học tập ngoại ngữ, nhất là các ngành ở các ngành Cử nhân chất lượng cao…). Chính chủ trương này sẽ là cầu nối để sinh viên có cơ hội giỏi ngoại ngữ, đối mặt với những tương tác văn hóa và quan trọng hơn đây sẽ là bước khởi đầu tưởng rất nhỏ, để họ nuôi dưỡng khát vọng có thể trở thành “công dân toàn cầu”.
Song song với những chính sách lâu dài đó, Trường còn chuẩn bị cho một sự phát triển đào tạo bền vững và thích ứng. Đó là mạnh dạn bỏ những chương trình đào tạo mà nhu cầu xã hội ít cần hoặc đã bão hòa; mở ra những chương trình mới. Đó là đào tạo theo hướng đón đầu, đáp ứng những nhu cầu lớn của xã hội, phù hợp xu thế thời đại: Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Báo chí, Du lịch, Dịch vụ… Đây được xem là những ngành vẫn đang là “mũi nhọn” và cũng là lĩnh vực “nóng” thu hút nhân lực, bởi có thể hiện trạng nguồn nhân lực trong các “sân chơi” này vừa chưa đủ, chưa thật tinh vừa chưa đủ sức vươn tầm cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Vì thế, đây là “điểm sáng” để Nhà trường mạnh dạn đầu tư, chiếm lĩnh.
Để tạo nên đột phá, điểm nhấn trong đào tạo các ngành khoa học thỏa mãn nhu cầu xã hội thế kỉ XXI, Trường ĐHSP - ĐHĐN không chỉ đầu tư cho sinh viên kĩ năng nghiên cứu, mà còn bám sát thực tế; có những giải pháp “nóng” để sinh viên nhìn thấy khả năng tiếp tục học đến trình độ cao (Thạc sĩ, Tiến sĩ) theo định hướng nghiên cứu… Từ đó, Trường có thể tự tin là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu cơ bản cho khu vực Đông Nam Á và trải ra cả một số khu vực trên thế giới (Toán học, Hóa học, Sinh học và triển vọng ở một số ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn hay khoa học giáo dục…). Những tiềm lực này là cơ sở để Nhà trường hoạch định chiến lược, tầm nhìn của mình là “cơ sở giáo dục đại học tự chủ hội đủ năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên một số lĩnh vực mũi nhọn đạt chuẩn chất lượng quốc tế; được phân tầng và xếp hạng cao, có vị thế uy tín trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”, hoàn toàn có tính khả tin trở thành hiện thực vào năm 2030.
Để hiện thực hóa ý tưởng vừa đột phá vừa bền vững của Nhà trường, rất cần hoạt động quyết liệt, chủ động và sáng tạo của những người trong cuộc (tập thể lãnh đạo, quản lí; giảng viên, sinh viên và cả đội ngũ phục vụ). Trước những bài toán nan giải của thực tiễn giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục Đại học, thiết nghĩ mọi đổi mới cũng chỉ là “bình mới rượu cũ” nếu không có những bứt phá như một vài gợi dẫn trong xu hướng đào tạo mà Trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đang và sẽ đồng tâm thực hiện.
CHỈ TIÊU TUYỂN SINH CÁC NGÀNH CỬ NHÂN KHOA HỌC VÀO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG NĂM 2019: 2.070 chỉ tiêu
PGS.TS Lưu Trang
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cơ cấu tổ chức Ban quản lý Chương trình ETEP 1. Nhóm tư vấn cá nhân Nghiên cứu đề xuất văn bản, chính sách, bao gồm các vị trí: Tư vấn cá nhân về hướng dẫn các trường SP xây dựng thỏa thuận thực hiện. Tư vấn cá nhân thu thập và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, CBQLGDPT...