Trường sư phạm đổi mới cách đào tạo để bắt kịp chương trình mới

Chủ nhật - 17/02/2019 21:54
(GDVN) - Ngoài việc thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo mới thì trường sư phạm cũng tăng cường việc đưa sinh viên xuống thực tập tại các trường phổ thông.

Theo Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thì ngay từ những ngày đầu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã luôn có ý thức và tích cực tham gia xây dựng, góp ý chương trình. 

Cán bộ, giảng viên đã nắm chắc về chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có tâm thế và tích cực chuẩn bị cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2019-2020.

Gắn kết đào tạo giáo viên với các trường phổ thông

Tuy nhiên, việc nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông chỉ là điều kiện cần, chuẩn bị đội ngũ để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mới là điều kiện đủ.

Phó Giáo sư Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về những đổi mới trong đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ý thức về tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên, nhà trường đã vừa nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ giảng viên.

Vừa kết hợp với các trường phổ thông để nắm bắt thực trạng đội ngũ giáo viên và việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Giảng viên trong các hoạt động seminar, sinh hoạt chuyên đề bộ môn những năm gần đây cũng tăng cường kết nối với các tổ bộ môn của các trường phổ thông để được trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp…
Việc đào tạo giáo viên ở môi trường đại học nhờ đó sẽ cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng những giáo viên sẵn sàng thích nghi, hội nhập.

Chứ không thể là những sản phẩm đầu ra cho giáo dục phổ thông lạc lõng, lúng túng trước chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, việc xây dựng và không ngừng mở rộng hệ thống thực tập thường xuyên (hay gọi là thực tập vệ tinh) của nhà trường ở các trường phổ thông đối với sinh viên cũng là tạo điều kiện cho giảng viên của trường kết nối, trao đổi nắm bắt việc giảng dạy và nhu cầu của thầy cô giáo trường phổ thông được đầy đủ và sâu sắc hơn.

Từ đó, những giáo viên tương lai được chung sống với nghề trong môi trường thực nghiệm với hi vọng “tay quen” hơn hẳn “trăm hay”.

Cập nhật chương trình đào tạo mới

Bên cạnh những hoạt động gắn kết với phổ thông, giảng viên còn tham gia vào việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 
Trường đã chuẩn bị sẵn một đội ngũ giảng viên cốt cán đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham gia tập huấn về bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 3/2019. Đội ngũ giảng viên cốt cán này sau khi hoàn thành lộ trình tập huấn, sẽ tập huấn lại cho toàn thể giảng viên của trường

Và chung tay thiết kế những kịch bản tập huấn chi tiết cho giáo viên cốt cán phổ thông. Dự kiến các nội dung này sẽ được triển khai trong quý 2-3/2019.

Song song với nâng cao trình độ, chất lượng và chuẩn bị đội ngũ giảng viên tham gia thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường còn chủ động đổi mới đào tạo giáo viên từ các khóa sinh viên đang học.

Đó là đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các chương trình đào tạo giáo viên được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung thường xuyên, từ 1 đến 2 năm một lần.

Từ năm 2013 đến nay trường đã chủ động 4 lần điều chỉnh chương trình: 2013, 2015, 2017 và 2018.

Sinh viên trường được cập nhật chương trình, nội dung, phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời họ được học tập và được trải nghiệm sử dụng phương pháp dạy học mới: dạy học STEM, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp, liên môn, liên ngành…
Đáng nói, sự tham khảo góp ý xây dựng chương trình của người học, nhà tuyển dụng và những bên liên quan là tư duy kết nối tích cực giữa người dạy và người học, giữa cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục phổ thông các cấp mà nhà trường đang lấy làm một trong những mục tiêu đổi mới cách thức đào tạo trọng yếu cho ngành cử nhân Sư phạm.

Để chủ động cung cấp đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới năm 2023, năm học 2019 - 2020, nhà trường dự kiến phương án tuyển sinh, đào tạo giáo viên cho nhiều ngành “triển vọng” như:

Lịch sử - Địa lí, Khoa học Tự nhiên, Tiểu học - Công nghệ, Giáo dục công dân, Sư phạm Công nghệ và xây dựng các chương trình về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo giáo viên “mới” liên môn đối với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng không phải là việc mới lạ.

Bởi đào tạo giáo viên kép này là mô hình nhà trường đã từng thực hiện khoảng 1 thập niên về trước.

Do vậy, đây là sự trở lại một phương thức đào tạo bằng cách làm mới. Và đó chính là lợi thế của nhà trường trong triển khai kế hoạch “đón đầu” hứa hẹn không ít thách thức song cũng đầy cơ hội này.

Với những cơ sở như đã phân tích, trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, nhà trường đã phần nhiều thể hiện quyết tâm chung tay đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bắt kịp, thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhà trường sẽ không có quá nhiều khó khăn trong nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới này.

PHÓ GIÁO SƯ LƯU TRANG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỚI THIỆU

Các trường ĐH tham gia

  STT Tên trường Đầu mối phụ trách tại BQL Đầu mối phụ trách tại trường 1 Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Khải PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền 2 Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Ngô Quang Quế PGS.TS. Phùng Gia...

Thăm dò ý kiến

Bạn có biết dự án ETEP là:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây