Sau một thời gian biên soạn và lấy ý kiến nhân dân, chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành vào ngày 26/12/2018. Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Toàn cảnh Hội nghị tại điềm cầu của Bộ GD&ĐT
Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Việc hoàn thành biên soạn chương trình được coi là thành công bước một, bước tiếp theo rất quan trọng, quyết định thành bại của chương trình mới là chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình, cụ thể là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các Sở, Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên CTGDPT mới giới thiệu Chương trình tại Hội nghị
Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó có môt số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới như năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đánh giá học sinh theo năng lực.
Đồng thời, ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Các địa phương cần rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đàm bảo quyền học tập của học sinh.
Cần sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ sớm ban hành cụ thể danh mục các thiết bị giáo dục cho từng lớp để địa phương kịp đưa vào dự toán đầu tư công của giai đoạn tới. Với những địa phương còn khó khăn thì cần có chính sách hỗ trợ về tài chính.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ giáo viên trong triển khai chương trình GDPT mới
Việc bồi dưỡng giáo viên cũng cần được tiến hành sớm với nhiều giải pháp kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Các địa phương cũng đề nghị Bộ sớm có sách giáo khoa để giáo viên có cơ sở nghiên cứu về chương trình mới. Với những thành phố lớn có sỹ số lớp đông, Bộ cần sớm có hướng dẫn địa phương chuẩn bị.
Trả lời những băn khoăn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngay sau Hội nghị, các vụ, cục sẽ có hướng dẫn rất cụ thể công việc cần phải làm, lộ trình phân công, phân cấp, phối hợp một cách tường minh để có thể triển khai nhịp nhàng.
“Có địa phương khó khăn về cơ sở vật chất, có địa phương khó khăn về đội ngũ giáo viên, ngay ở các thành phố lớn cũng gặp khó khăn về đất đai, xây dựng trường lớp. Vì vậy, cần hướng dẫn để các địa phương có giải pháp và lộ trình khắc phục, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình” - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ nhà giáo - lực lượng quyết định thành bại đổi mới giáo dục. Quan điểm của Bộ trưởng là những yêu cầu với đội ngũ phải đi cùng với việc giảm áp lực và tạo động lực cho giáo viên.
Việc đầu tiên nhằm giảm áp lực cho đội ngũ, theo Bộ trưởng là giảm gánh nặng thủ tục hành chính, sổ sách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết; rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực. Việc này không chỉ Bộ làm được mà cần có sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương tới các đơn vị chức năng, cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ làm kiên quyết, có chế tài kiểm tra, thanh tra, để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tăng cường kỹ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường giáo dục thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQLGD Hoàng Đức Minh trao đổi về những vấn đề liên quan đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên
Bộ trưởng cũng nhắc tới động lực liên quan đến thang bảng lương. Theo Bộ trưởng, muốn giáo dục có nền tảng tốt thì phải có thầy cô tốt, muốn có thầy cô tốt phải nhìn vào điều kiện làm việc, động lực làm việc của thầy cô. Nếu chỉ tăng điều kiện mà không tạo động lực thì chính sách của chúng ta không hiệu quả, thậm chí dẫn tới tiêu cực.
“Chúng ta muốn thầy cô đạt được chuẩn mới nhưng bên cạnh đó phải có động lực cho các thầy cô, chứ chúng ta chỉ yêu cầu một phía mà không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và điều kiện làm việc của các thầy cô, chế độ đãi ngộ chính sách thì yêu cầu đó không đi vào thực tế được” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng cho rằng, một mặt tạo điều kiện tốt, cơ hội, động lực nhưng mặt khác cần phải có chế tài với các thầy cô không đáp ứng được yêu cầu, tránh tình trạng cào bằng, để một số nhỏ “cá biệt” làm ảnh hưởng đến uy tín, dẫn đến thầy cô rơi vào băn khoăn, áp lực.
Nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa Bộ với các địa phương, các cấp quản lý giáo dục sở, phòng và hiệu trưởng nhà trường, người đứng đầu ngành Giáo dục mong muốn lãnh đạo các địa phương sẽ tăng cường trao đổi để cùng Bộ GD&ĐT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá phạm vi của Bộ, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra.
“Thành công của việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc vào sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở, phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường phổ thông. Riêng về đội ngũ hiệu trưởng, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng cho đội ngũ này. Bởi hiệu trưởng tốt thì trường học sẽ tốt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cơ cấu tổ chức Ban quản lý Chương trình ETEP 1. Nhóm tư vấn cá nhân Nghiên cứu đề xuất văn bản, chính sách, bao gồm các vị trí: Tư vấn cá nhân về hướng dẫn các trường SP xây dựng thỏa thuận thực hiện. Tư vấn cá nhân thu thập và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, CBQLGDPT...